I. Giới thiệu: Vì sao bạn nên học chơi cờ vây?
Bạn đã bao giờ thử một trò chơi mà mỗi nước đi đều khiến bạn phải suy nghĩ như đang điều binh khiển tướng trên một chiến trường thu nhỏ? Đó chính là cờ vây — trò chơi chiến thuật cổ xưa nhưng lại ngày càng thu hút giới trẻ hiện đại.
Cờ vây là gì? Nói đơn giản, đây là trò chơi hai người dùng quân trắng và đen thay phiên nhau “vây đất” trên một bàn cờ. Nhưng đằng sau vẻ ngoài bình lặng đó là những pha đấu trí căng thẳng, những chiến lược sâu xa và cả một nghệ thuật tư duy không lời. Mỗi nước cờ là một lựa chọn — tiến hay thủ, mở rộng hay phòng ngự — đòi hỏi người chơi phải quan sát toàn cục và tính toán từng bước đi.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày càng nhiều người tìm kiếm cách chơi cờ vây. Trong một thế giới đầy xao nhãng, cờ vây mang lại sự tĩnh lặng, rèn luyện sự kiên nhẫn, khả năng phân tích và tư duy chiến lược sắc bén. Trẻ em học được cách suy nghĩ logic. Người lớn luyện được bản lĩnh và tầm nhìn dài hạn. Thậm chí nhiều người còn nói, cờ vây giúp họ hiểu chính mình hơn.
“Chơi cờ vây có khó không?” — không hề, nếu bạn bắt đầu từ những điều cơ bản. Và nếu bạn đang băn khoăn “nên bắt đầu học cờ vây từ đâu?”, thì bài viết này chính là điểm khởi đầu lý tưởng: dễ hiểu, thực tế và đầy cảm hứng. Hãy cùng khám phá ngay luật chơi đơn giản nhưng đầy chiều sâu trong phần tiếp theo nhé.
II. Hướng dẫn chơi cờ vây cơ bản
1. Bàn cờ và quân cờ
Trong hướng dẫn chơi cờ vây cơ bản, điều đầu tiên bạn cần làm quen chính là bàn cờ và quân cờ. Bàn cờ truyền thống có kích thước 19×19 đường kẻ, tạo thành 361 giao điểm, quân cờ được đặt vào các giao điểm này.
Ngoài ra, để giúp người mới dễ tiếp cận hơn, cờ vây còn có các phiên bản nhỏ hơn như bàn 13×13 hoặc 9×9. Những bàn cờ này thường được dùng trong quá trình luyện tập, thi đấu nhanh hoặc hướng dẫn trẻ em chơi cờ.
Về quân cờ, có hai màu: quân trắng và quân đen. Người chơi cầm quân đen luôn được đi trước, và hai bên thay phiên nhau đặt quân lên giao điểm trên bàn cờ. Người chơi quân màu trắng đi sau sẽ được cộng thêm điểm để công bằng.
2. Luật chơi cơ bản
• Ngay bắt đầu ván cờ trên bàn cờ không có quân và người cầm quân đen luôn luôn là người đi trước. Người chơi lần lượt đặt một quân cờ vào giao điểm còn trống, mỗi lượt đi là 1 quân cờ. Sau khi đặt, quân cờ không được di chuyển nữa. Mục đích là bắt được nhiều quân địch và chiếm được nhiều đất nhất có thể.
• Khi đến lượt của mình, người chơi vì lí do nào đó không muốn đi có thể xin bỏ lượt. Người còn lại có thể tiếp tục đi tiếp nước cờ của mình hoặc cũng có thể xin bỏ lượt. Khi cả 2 đều bỏ lượt ván cờ kết thúc.
• Khi ván cờ kết thúc về lí thuyết sẽ đếm quân tù binh và đất của mỗi bên chiếm được cũng như cộng điểm cho người cầm quân trắng. Người nào nhiều điểm hơn sẽ thắng cuộc.
Nội dung chi tiết như bên dưới:
2.1 Khí trong cờ vây là gì:
• Trong cờ vây, “khí” là các giao điểm trống liền kề quanh một quân cờ hoặc một nhóm quân. Những khí này là “đường thở”, giúp quân cờ còn sống và tồn tại trên bàn cờ.
• Một quân cờ riêng lẻ có thể có tối đa 4 khí, nếu nó được đặt ở giữa bàn (vì có 4 hướng: trên, dưới, trái, phải). Quân ở rìa thì chỉ có 3 khí, quân ở góc chỉ có 2 khí.
Khi các quân đứng cạnh nhau, chúng tạo thành một nhóm quân, và các khí của nhóm là tổng các giao điểm trống bao quanh toàn bộ nhóm đó.
Tại sao “khí” quan trọng?
• Khi một quân (hoặc nhóm quân) không còn khí, tức là bị bao vây hoàn toàn bởi quân đối phương, thì nó sẽ bị bắt và loại khỏi bàn cờ.
• Vì vậy, chiến thuật cơ bản nhất trong cờ vây là làm giảm khí của quân đối phương, đồng thời giữ hoặc mở rộng khí cho quân mình.
Như hình minh họa 1 bên dưới, đánh dấu (x) là khí của quân số 1.

2.2 “Đất” là gì trong cờ vây?
Trong cờ vây, “đất” là những vùng giao điểm trống được bao vây hoàn toàn bởi quân của một bên. Về bản chất, đất là lãnh thổ mà bạn kiểm soát trên bàn cờ.
Một khu vực được tính là “đất của bạn” khi:
• Nó được bao quanh kín bởi quân của bạn.
• Không có quân địch nào nằm trong khu vực đó (thực ra nếu có quân địch nằm bên trong cho dù quân địch chưa hết khí thì vẫn tính là bị bắt kĩ thuật. Sẽ phân tích rõ hơn điều này ở mục tính điểm).
• Không còn khả năng để đối phương vào chiếm hoặc phá vỡ ranh giới.
Hình minh họa 1 bên trên: A là 1 đất của quân đen
2.3 Quy tắc “bao vây” trong cờ vây
Trong cờ vây, bao vây nghĩa là bạn đặt quân để chiếm hết “khí” xung quanh một quân hoặc một nhóm quân của đối thủ. Khi toàn bộ khí của quân địch bị chặn hết, thì: Quân đó bị “bắt” và loại khỏi bàn cờ và trở thành tù binh.
2.4 “Tự sát” trong cờ vây là gì?
Tự sát là hành động đặt một quân vào vị trí mà ngay lập tức khiến chính quân đó (hoặc nhóm quân của bạn) không còn khí nào.
Và theo luật cờ vây:
Không được phép tự sát — trừ khi nước đi đó ngay lập tức bắt được quân địch, tức là làm mất khí nhóm quân đối phương trước.
Ví dụ đơn giản: Hình minh họa 2: Với tình huống trong hình minh họa này thì vị trí A sẽ là vị trí tự sát đối với quân trắng, ở vị trí này nếu quân trắng đi vào sẽ không còn khí và “chết” ngay lập tức. Do vậy vị trí này quân trắng không được đi vào. Tuy nhiên với vị trí B mặc dù đã hết khí xung quanh nhưng nếu quân trắng đi vào vị trí B không những không chết mà còn bắt được 2 quân đen số 1 và số 2. Như vậy quân trắng hoàn toàn có thể đi vào vị trí B.

2.5 “Mắt” trong cờ vây là gì?
“Mắt” là một hoặc nhiều giao điểm trống nằm bên trong nhóm quân của bạn, được bao quanh kín bởi chính quân của bạn, và không có quân địch nào có thể đặt vào đó một cách hợp lệ.
Hiểu đơn giản:
Mắt giống như trái tim của một nhóm quân — nếu có ít nhất 2 mắt, nhóm đó không thể bị bắt.
Tại sao “mắt” lại quan trọng?
Trong cờ vây, nếu một nhóm quân bị bao vây hoàn toàn mà không có mắt, thì nó sẽ bị bắt ngay lập tức.
Nhưng nếu nhóm đó có đủ 2 mắt riêng biệt, đối thủ không thể nào lấp hết khí được — vì không được phép “tự sát” khi đặt quân vào mắt.
Nói cách khác:
• 1 mắt → vẫn có thể bị tiêu diệt.
• 2 mắt trở lên → nhóm quân an toàn, không thể bị bắt. Xem hình minh họa 3 dưới đây.

2.6 Thời gian suy nghĩ trong cờ vây
Tùy theo hình thức thi đấu hoặc thỏa thuận giữa hai người chơi, thời gian suy nghĩ trong cờ vây có thể được quy định như sau:
- Không giới hạn thời gian: Phù hợp với người mới chơi, chơi giải trí.
- Giới hạn thời gian chính (main time): Mỗi người có một khoảng thời gian cố định (ví dụ 30 phút hoặc 1 tiếng). Khi hết thời gian này, người chơi bước vào giai đoạn byo-yomi.
- Byo-yomi (thời gian tính nước): Là các khoảng thời gian ngắn sau khi hết giờ chính. Ví dụ: 30 giây cho mỗi nước đi, với 3 lần “gia hạn”. Nếu vượt quá thời gian 3 lần đó, bạn bị xử thua.
Ngoài ra, một số thể thức cờ vây hiện đại trên nền tảng online cũng dùng hệ thống đồng hồ giống như cờ vua, có thể là increment (cộng thêm 10 giây sau mỗi nước) hoặc Fischer time.
Việc kiểm soát thời gian không chỉ giúp ván đấu có nhịp độ tốt hơn, mà còn rèn luyện khả năng tập trung và quyết đoán của người chơi.
2.7 Khái quát cách tính điểm cuối ván
Khi một ván cờ vây kết thúc, người chơi sẽ tính điểm dựa trên “đất chiếm được” và “số quân đã bắt” cộng với điểm Komi cho bên quân cờ trắng. Điểm Komi với luật Nhật bản/Hàn quốc là 6,5 điểm và với luật của Trung quốc là 7,5 điểm. Thực tế hiện nay thì các giải đấu lớn, AI thì hầu như áp dụng luật 7,5 điểm. Số điểm áp dụng lẻ 0,5 để tránh trường hợp 2 bên sẽ hòa. Dưới đây là các bước tính điểm sau khi kết thúc 1 ván cờ vây rất thú vị và khoa học.
a. Thu dọn tù binh các bên: Các tù binh khi bị “bắt” do hết khí đã bị loại ngay trong ván cờ. Tuy nhiên có những tù binh bị “bắt kĩ thuật” hay còn gọi “chết kĩ thuật” là những quân mặc dù chưa hết khí nhưng đã nằm hoàn toàn trong vòng vây của đối phương. Các quân này cũng sẽ được dọn khỏi bàn và cho vào hộp tù binh.
b. Trao trả tù binh: Những tù binh bị bắt sẽ lại được trao trả lại bàn cờ và sắp xếp vào vị trí vùng đất của bên đó đang chiếm được. Tại sao lại như vậy? bởi vì khi lắp tù binh vào thì sẽ làm giảm số đất đang chiếm được của mình. Ví dụ bạn đang chiếm được 30 ô đất bây giờ trao trả 10 tù binh về lắp vào 10 ô đất như vậy bạn chỉ còn 20 ô đất.
c. Đếm số ô đất mỗi bên chiếm được rồi cộng với điểm Komi cho bên trắng. Bên nào có số điểm lớn hơn sẽ chiến thắng ván cờ.

Với hình minh họa 4 bên trên: Mũi tên đang chỉ vào 1 quân màu đen bị bắt kĩ thuật. Với quân đen này về lí thuyết vẫn đang còn khí tuy nhiên nó đã bị quân trắng bao vây khép kín. Các quân cờ khác được đánh nhạt hơn trên hình bên trên cũng gọi là bị bắt kĩ thuật tương tự. Các giao điểm còn trống và được tô màu trắng hoặc đen là các ô đất được quân trắng/đen chiếm. Có những ô đất nó không thuộc về bên nào (ví dụ ô đất gần giữa bàn cờ hình trên) thì sẽ không được tính điểm.
Để tìm hiểu thêm về nguồn gốc và những ý nghĩa sâu sắc của môn cờ vây, bạn có thể xem bài viết: Cờ vây: Từ trò chơi đến biểu tượng trí tuệ . Bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về trò chơi trí tuệ hàng nghìn năm tuổi này.
III. Mẹo và chiến thuật đơn giản cho người mới chơi cờ vây
1. Học cách tạo mắt để sống – và ngăn đối thủ tạo mắt để phản công
Trong cờ vây, một nhóm quân chỉ có thể sống nếu tạo được hai mắt – tức hai điểm trống bên trong vùng bao quanh bởi quân mình. Nếu chỉ có một mắt, nhóm đó có thể bị “giết” dễ dàng vì đối phương sẽ nhảy vào và chiếm điểm trống đó.
Với người mới, đây là nguyên tắc sống còn. Nhưng để chơi lên tầm chiến thuật, bạn cần học thêm một điều:
Khi đối phương không thể tạo hai mắt, nhóm quân đó sẽ chết.
Vậy nên, ngoài việc chăm chú xây mắt cho quân mình, bạn nên chủ động:
• Phân tích xem nhóm quân đối thủ có thể tạo được hai mắt hay không.
• Tìm cách bao vây, chia cắt, hoặc chặn khí để khiến đối thủ không còn đủ không gian tạo mắt.
Một vài mẹo nhỏ để áp dụng:
• Khi tấn công, đừng vội ăn quân – hãy cắt đường sống, chặn không gian để mắt không thể hình thành.
• Nếu thấy nhóm quân địch yếu mà chưa có mắt, đừng bỏ qua. Tổ chức tấn công để “bóp nghẹt” không gian.
• Hãy nhớ: “Tấn công là để xây đất – nhưng giết quân đúng lúc cũng là để tạo lợi thế chiến lược.”
2. Đừng đánh lẻ tẻ – hãy xây thế trận bằng liên kết
Tên gọi “Cờ Vây” đã nói lên tất cả: muốn vây, thì phải có sự liên kết, phải tạo ra một mạng lưới quân đủ chặt chẽ để chiếm đất, bảo vệ mình và đẩy lui đối thủ.
Trong cờ vây, mỗi quân chỉ có 4 khí (điểm trống xung quanh). Một quân cờ đứng một mình là rất dễ bị bóp nghẹt – chỉ cần vài nước đi khéo léo, đối phương có thể bao vây và loại bỏ quân đó một cách dễ dàng.
Vì vậy, khi chơi cờ vây, bạn cần nghĩ như một kiến trúc sư đang xây thành:
• Đi từng nhóm nhỏ, mỗi quân bổ trợ cho nhau.
• Liên kết thành chuỗi để chia sẻ khí và tăng khả năng sống sót.
• Phủ sóng theo cụm, chứ không dàn trải rời rạc như “rắc muối”.
Hãy tưởng tượng mỗi nhóm quân là một pháo đài nhỏ. Khi các pháo đài này liên kết, chúng sẽ tạo thành một vùng ảnh hưởng mạnh mẽ – vừa phòng thủ chắc chắn, vừa mở đường cho tấn công.
Gợi ý chiến thuật:
• Trước khi đặt một quân, hãy tự hỏi: “Nó có đang kết nối với nhóm quân nào không? Hay đang… cô đơn chờ bị bắt?”
• Khi mở rộng sang khu vực mới, đừng đi một quân rồi bỏ đó. Hãy lên kế hoạch đi 2–3 quân gần nhau, tạo thành một “bệ phóng” vững chắc.
• Càng liên kết chặt, càng khó bị chia cắt – và thế trận của bạn sẽ dần mở rộng như một mạng nhện đầy kiểm soát.
3. Kiểm soát khu vực quan trọng hơn việc ăn quân
Đây là lỗi sai phổ biến nhất của người mới: cứ thấy quân đối phương là lao vào bắt. Trong khi bản chất của cờ vây là chiếm đất, không phải “đấu võ”.
Việc bắt được vài quân địch sẽ mang lại cảm giác thắng thế, nhưng nếu bạn bỏ qua việc xây dựng lãnh thổ, bạn sẽ thua về điểm số vào cuối ván. Trong khi đó, người biết cách âm thầm dựng biên giới, khoanh vùng đất riêng, sẽ luôn chiếm ưu thế dài hạn.
Gợi ý:
• Hãy xem từng lượt đi như là xây hàng rào cho khu đất của bạn.
• Tránh bị lôi kéo vào giao tranh ở khu vực không quan trọng.
• Thường thì kiểm soát 3 góc và 1 cạnh sẽ gần như đảm bảo bạn thắng nếu bạn không bị mất quân quá nhiều.
4. Đừng lao ra trung tâm vội – hãy chiếm góc trước như một cao thủ
Trong cờ vây, góc bàn là nơi dễ xây đất nhất – vì bạn chỉ cần phòng thủ từ hai phía. Cạnh bàn thì phải lo ba phía. Còn trung tâm? Đó là vùng hoang dã, nơi quân bạn có thể bị bao vây từ bốn phương tám hướng nếu chưa có căn cứ vững chắc.
Đây chính là lý do mà gần như mọi cao thủ cờ vây đều bắt đầu từ các góc. Họ xây căn cứ ở đó, rồi mở rộng ra cạnh, sau đó mới nhắm đến trung tâm – khi thế trận đã đủ vững.
Với người mới, trung tâm có vẻ rất “mở”, rộng rãi và hấp dẫn. Nhưng thực tế, nếu bạn nhảy vào giữa quá sớm, quân sẽ dễ bị cô lập, không có nơi bám víu, và bị phản công tứ phía. Bạn sẽ rơi vào thế vừa không giữ được đất, vừa mất quân.
Gợi ý chiến thuật:
• Trong 10 nước đi đầu tiên, hãy cố gắng tập trung vào 1 đến 2 góc để tạo thế đứng vững.
• Sau đó, kết nối các căn cứ ở góc bằng cách đi dọc cạnh bàn – vừa mở rộng đất, vừa giữ thế chủ động.
• Khi bạn đã có “vành đai” vững chắc, trung tâm sẽ không còn là bãi mìn nữa, mà trở thành phần thưởng chiến thuật bạn có thể chiếm từ thế mạnh.
Tóm lại: Đừng nhảy vào giữa khi chưa có hậu thuẫn – hãy làm chủ biên giới trước, rồi mới nghĩ đến trái tim bàn cờ.
IV. Học cờ vây ở đâu? Gợi ý cho từng đối tượng
Dù bạn đang tìm nơi học cờ vây cho trẻ nhỏ hay là người lớn mới bắt đầu tiếp cận bộ môn này, chúng tôi đều có những gợi ý phù hợp để bạn không bị “lạc giữa rừng thông tin”.
Nếu bạn đang tìm nơi học và luyện tập cho con, em mình (trẻ em) thì đừng bỏ qua bài viết chi tiết của chúng tôi:
Cờ vây cho trẻ em – rèn luyện tư duy và bản lĩnh
Trong đó, chúng tôi gợi ý các trung tâm phù hợp cho lứa tuổi nhỏ, cách giúp trẻ tiếp cận cờ vây một cách tự nhiên và có hứng thú từ sớm.
Còn nếu bạn là người lớn mới bắt đầu, thì có thể bạn sẽ hơi choáng ngợp. Hiện nay có rất nhiều sách, app, trang web và diễn đàn liên quan đến cờ vây – từ học luật đến giao lưu, thi đấu. Tuy nhiên, phần lớn nội dung này lại là tiếng nước ngoài hơn nữa khó khăn trong việc tìm kiếm và lựa chọn phù hợp.
Vậy với người mới bắt đầu, làm sao để học hiệu quả mà không bị lạc giữa “rừng thông tin”?
Chúng tôi khuyên bạn nên đi theo lộ trình đơn giản sau:
1. Xem trước qua các kênh YouTube tiếng Việt
Cách dễ nhất để hiểu luật chơi, cách tạo mắt, bao vây – ăn quân… là xem video minh họa bằng tiếng Việt. Bạn sẽ tiếp thu nhanh hơn so với việc đọc tài liệu lý thuyết.
Hiện tại, chúng tôi đánh giá cao kênh Vương Đánh Cờ Vây – đây là kênh có rất nhiều video phù hợp cho người mới, giải thích từ cơ bản đến các thế cờ thường gặp.
2. Tham gia cộng đồng cờ vây trên mạng xã hội
Sau khi nắm được luật và cách chơi cơ bản, bạn nên kết nối với những người cùng sở thích để đặt câu hỏi, chia sẻ ván cờ, hoặc tìm người chơi online.
Trên Facebook, bạn có thể tham gia 2 nhóm cộng đồng nổi bật sau:
Cộng đồng Cờ vây Việt nam và Cờ vây Việt Nam Nhóm đông đảo, thường xuyên chia sẻ nội dung học tập, video phân tích ván đấu, nơi phù hợp với người mới bắt đầu, môi trường thân thiện.
3. Tìm một CLB hoặc cộng đồng offline để nâng cao trình độ
Nếu sau một thời gian bạn cảm thấy yêu thích môn cờ này, hãy thử tìm một CLB gần nơi mình sống. Việc chơi trực tiếp với người thật sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về chiến thuật, nâng cao kỹ năng đọc ván cờ, và đặc biệt là… tăng hứng thú. Bạn có thể hỏi trong các group Facebook ở trên để được giới thiệu địa điểm gần nhất.
V. Kết luận
Cờ vây có thể bắt đầu chỉ với vài quân cờ trên bàn, nhưng càng tìm hiểu bạn sẽ càng thấy nó giống như một tấm bản đồ chiến lược không hồi kết. Những nguyên tắc tưởng như đơn giản – tạo mắt, bao vây, chiếm đất – lại mở ra vô vàn cách tư duy khác nhau.
Đây không chỉ là một trò chơi đối kháng trí tuệ, mà còn là một hành trình rèn luyện tư duy, kiên nhẫn và khả năng nhìn xa trông rộng. Người chơi giỏi không chỉ giỏi “ăn quân”, mà còn biết khi nào nên lùi, khi nào nên nhường một phần nhỏ để giữ vững cục diện toàn bàn.
Nếu bạn mới bắt đầu, đừng lo lắng nếu ban đầu thấy hơi khó hiểu. Hãy bắt đầu từ những ván nhỏ, học cách liên kết quân, xây mắt, giữ đất – và bạn sẽ dần cảm nhận được sức hút đặc biệt của môn cờ này.
Chúc bạn sớm tìm thấy niềm vui và những người bạn cùng đam mê trên hành trình cờ vây của mình!
Và đừng quên – trochoidangian.com.vn luôn đồng hành cùng bạn với nhiều bài viết bổ ích về trò chơi trí tuệ, từ dân gian đến hiện đại.
Khám phá thêm các trò chơi thú vị khác: